I. Đặt vấn đề
Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) là một nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài cho nhà trường nói riêng, cho địa phương nói chung. Công tác bồi dưỡng HSG ở trường TH, THCS và THPT Quách Đình Bảo còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hơn nữa, do nhà trường vừa mới thành lập, mới tham gia hoạt động giáo dục các cấp phổ thông được hơn một năm, việc khẳng định năng lực, thương hiệu của nhà trường thông qua thành tích bồi dưỡng HSG là điều rất cần thiết. Nhận thức được ý nghĩa của công tác này, trường TH, THCS và THPT Quách Đình Bảo đã luôn coi việc nâng cao chất lượng dạy học nói chung và việc bồi dưỡng HSG nói riêng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhà trường luôn chú ý chỉ đạo xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm học về việc bồi dưỡng HSG và thường xuyên giám sát, kiểm tra, nhắc nhở, động viên giáo viên và học sinh thực hiện tốt nhiệm vụ này. Tuy nhiên, bồi dưỡng HSG là một công việc khó khăn và lâu dài, đòi hỏi nhiều công sức của thầy và trò, nhà trường cần nghiên cứu, phân tích thực trạng và có những giải pháp phù hợp.
II. Nội dung
1. Thuận lợi
- Được sự chỉ đạo, quan tâm sâu sát và kịp thời của Ban giám hiệu trường CĐSP Thái Bình, trường TH, THCS và THPT Quách Đình Bảo đã có những kế hoạch cụ thể, lâu dài trong công tác bồi dưỡng HSG.
- Giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, nhiều giáo viên đạt trình độ chuyên môn trên chuẩn, đặc biệt trường TH, THCS và THPT Quách Đình Bảo có 2 tiến sĩ tham gia công tác bồi dưỡng HSG.
- Trường có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin; trang thiết bị phục vụ tương đối đầy đủ tạo điệu kiện cho việc dạy và học đạt kết quả tốt.
2. Khó khăn
- Đa số giáo viên dạy bồi dưỡng vừa phải bảo đảm chất lượng đại trà, vừa phải hoàn thành chỉ tiêu chất lượng mũi nhọn và công tác kiêm nhiệm do đó cường độ làm việc quá tải và việc đầu tư cho công tác bồi dưỡng HSG cũng có phần bị hạn chế.
- Học sinh học chương trình chính khóa phải học nhiều môn, đảm bảo theo đúng chương trình GDPT 2018, cộng thêm chương trình bồi dưỡng HSG nên rất hạn chế về thời gian tự học. Các em không có nhiều thời gian dành cho việc học bồi dưỡng HSG, do đó kết quả chưa cao như mong đợi.
- Một số học sinh tham gia học bồi dưỡng HSG chưa thực sự cố gắng, chưa say mê nghiên cứu, nên kết quả công tác bồi dưỡng HSG chưa cao.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi
Giải pháp 1: Khâu tuyển chọn học sinh
Việc tuyển chọn học sinh để bồi dưỡng đội tuyển HSG cần được giáo viên thực hiện ngay từ đầu cấp học. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải luôn đồng hành cùng học sinh để cùng nhau khám phá, dạy cho học sinh phương pháp tiếp cận vấn đề mới, qua đó phát hiện học sinh có tư chất thông minh. Giáo viên cần chú trọng đánh giá, phát hiện học sinh có tố chất về năng lực nhận thức, năng lực phân tích, tổng hợp và liên hệ, ứng dụng, năng lực tư duy phản biện, năng lực, kĩ năng giải quyết vấn đề và sáng tạo cái mới, tinh thần hợp tác, chia sẻ, và trên tất cả, các em cần có niềm đam mê, yêu thích với môn học đó.
Giáo viên đánh giá năng lực học sinh bằng nhiều hình thức, như kết hợp kết quả đánh giá thường xuyên, định kì hằng tháng với kết quả các kì thi phong trào, các kì thi do cấp trên tổ chức; đồng thời kết hợp với việc tìm hiểu học sinh từ kết quả học tập của những năm học trước, từ giáo viên chủ nhiệm và từ giáo viên bộ môn khác. Giáo viên nên chú ý việc xử lí kết quả, rút kinh nghiệm về giảng dạy, học tập sau đánh giá.
Giải pháp 2: Đối với giáo viên dạy bồi dưỡng
1) Giáo viên cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng HSG ngay từ đầu năm, gồm các chủ đề, số tiết trong chủ đề theo chương trình giảng dạy một cách cụ thể, qua đó nghiên cứu, chọn lọc các bài tập theo dạng của chủ đề, tránh tình trạng “thích đâu dạy đó”. Dạy theo chủ đề giúp học sinh vừa hình dung một cách tổng quát nội dung chương trình, vừa giúp học sinh nghiên cứu chuyên sâu vào từng chủ để nên sẽ có kiến thức sâu hơn.
2) Giáo viên cần phải thường xuyên nghiên cứu, khai thác các tư liệu có kiến thức nâng cao trên các phương tiện thông tin, đặc biệt là mạng Internet. Lựa chọn các trang Web hữu ích nhất, tiện dụng nhất, tác giả nào thường có các chuyên đề hay, khả quan nhất để sưu tầm tài liệu. Giáo viên và học sinh cũng cần đặt mua những cuốn tạp chí có tính chuyên môn cao làm tư liệu dạy học, như tạp chí Văn học và tuổi trẻ, tạp chí Toán học tuổi trẻ, tạp chí Vật lý ngày nay, .... Các tạp chí này rất ý nghĩa vì thường đặt ra và trao đổi về các vấn đề mang tính khái quát theo chủ đề, sát với chương trình phổ thông, đồng thời giới thiệu nhiều đề hay để giáo viên và học sinh tham khảo.
3) Giáo viên cần dạy kiến thức cơ bản trước, sao cho học sinh nắm chắc phần cơ bản rồi mới dạy nâng cao. Các bài cơ bản là những bài dễ, chỉ liên quan đến một hoặc vài loại kiến thức kỹ năng, cần phải luyện tập nắm vững từng loại trước. Mỗi loại kiến thức cần thông qua một hoặc hai bài điển hình giúp học sinh rút ra phương pháp giải quyết, rồi cho thêm một số bài cho học sinh tự vận dụng cho thành thạo phương pháp. Sau đó, giáo viên cần kiểm tra thẩm định xem học sinh đã nắm chắc chắn chưa, nếu chưa chắc chắn cần phải củng cố đến khi đảm bảo học sinh lĩnh hội đầy đủ kiến thức và phương pháp giải quyết vấn đề. Sau đó giáo viên mới bổ sung thêm những bài tổng hợp nhiều loại kiến thức nâng cao, học sinh đã nắm vững từng loại kiến thức cơ bản sẽ dễ dàng nhận ra và giải quyết được các bài nâng cao. Đối với HSG, việc trau dồi kiến thức cơ bản có thể làm nhanh, hoặc cho tự làm nhưng phải kiểm tra biết chắc chắn học sinh đã nắm chắc phần cơ bản rồi mới nâng cao, nếu bỏ qua bước này trình độ của học sinh sẽ không ổn định và không vững chắc. Sau khi trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản và kiến thức nâng cao của bộ môn, giáo viên chú ý nhiều hơn đến việc dạy học sinh phương pháp học và dần coi đây là mục tiêu chính của quá trình dạy học.
4) Bên cạnh việc cung cấp kiến thức cho học sinh, giáo viên còn cần tiến hành song song hướng dẫn cho học sinh phương pháp ôn tập và làm bài thi hiệu quả. Giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh ôn tập kiến thức linh hoạt theo các phương pháp đa dạng như sơ đồ hóa kiến thức, lập bảng so sánh, ... Kĩ năng làm bài của học sinh cần được rèn luyện thường xuyên, không chỉ diễn ra trong một vài buổi học trước ngày thi. Học sinh cần làm nhiều đề trong suốt quá trình học đội tuyển, giáo viên chấm trả bài nghiêm túc, nhận xét, đánh giá ưu nhược điểm của mỗi học sinh một cách chính xác, khách quan, như thế kĩ năng, phương pháp làm bài của học sinh sẽ có nhiều tiến bộ. Mặt khác, qua việc luyện đề sẽ giúp học sinh có phương pháp phù hợp để xác định đúng yêu cầu của đề bài, biết cân đối thời gian và phân chia thời gian làm bài một cách khoa học, tự kiểm tra, đánh giá được lượng kiến thức của bản thân, đồng thời có thêm cơ hội để ghi nhớ nội dung lâu hơn. Vì vậy, học sinh cần được rèn luyện, trải nghiệm làm đề thi HSG thường xuyên, qua các đợt khảo sát HSG định kì hàng tháng.
5) Bồi dưỡng đội tuyển HSG cần được tiến hành thường xuyên cả trên lớp và các buổi 2, không nên để gần lúc thi mới tích cực bồi dưỡng làm cho học sinh quá tải đồng thời ảnh hưởng đến kết quả học tập các môn học khác của học sinh. Việc tổ chức khảo sát HSG hàng tháng sẽ giúp học sinh tôi luyện thêm về kỹ năng làm bài thi, giúp học sinh tự tin hơn khi chính thức tham dự kỳ thi học sinh giỏi.
6) Giáo viên cũng cần thường xuyên trau dồi, học hỏi kinh nghiệm từ giáo viên các trường bạn qua các buổi gặp gỡ, trao đổi, sinh hoạt chuyên môn các cấp.
7) Điều quan trọng nhất trong quá trình dạy học là làm cho học sinh yêu thích môn học, “thổi lửa” khơi dậy, nuôi dưỡng lòng đam mê học tập, khát khao khám phá của học sinh. Mỗi bài dạy, giáo viên luôn tìm nội dung mới mẻ, làm cho học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp, tầm quan trọng của môn học, khơi dậy trong học sinh niềm đam mê khám phá. Hạn chế việc giáo viên làm thay học sinh những điều mà học sinh có thể làm được.
Giải pháp 3: Sự phối hợp giữa các tổ chức trong trường và khen thưởng
Để hỗ trợ cho công tác bồi dưỡng HSG có hiệu quả, các bộ phận gián tiếp như: Chi bộ, Ban giám hiệu, Công đoàn, Đoàn thanh niên, tổ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm cũng cần quan tâm đặc biệt và có những biện pháp hỗ trợ đúng mức như tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng. Nhà trường cần có chế độ bồi dưỡng thỏa đáng cho giáo viên, có chế độ ưu tiên khuyến khích đối với học sinh đạt giải; tuyên dương khen thưởng kịp thời đối với các giáo viên và học sinh đạt thành tích; quan tâm theo dõi và đáp ứng các nhu cầu chính đáng của giáo viên và học sinh về phòng học, điện, nước.
Nhà trường cũng tạo điều kiện để giúp đội tuyển HSG có cơ hội học tập các thầy cô có kinh nghiệm lâu năm ở các địa phương khác, ở các thành phố lớn qua các buổi học online, các buổi chia sẻ kinh nghiệm thi học sinh giỏi.
III. Kết luận
Trong xu hướng toàn cầu hóa, tri thức, trí tuệ mỗi con người không còn là tài sản riêng của từng quốc gia. Việc phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng HSG tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã trở thành trách nhiệm chung của toàn xã hội. Công việc bồi dưỡng HSG là công việc khó khăn và vất vả nhưng rất vinh quang. Để có đội tuyển HSG có chất lượng, đòi hỏi người thầy không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải say mê tâm huyết với nghề. Cũng như Thomas A. Edison đã từng nói “Nếu bạn muốn thành công, phải lấy lòng kiên trì làm bạn tốt, lấy kinh nghiệm làm tham mưu, lấy cẩn thận làm anh em, lấy hy vọng làm lính gác”. Khi các thầy cô giáo của nhà trường say mê, kiên trì, nhiệt huyết trong công tác bồi dưỡng HSG, trường TH, THCS và THPT Quách Đình Bảo sẽ đạt được thành tích cao trong công tác này.
[*] Tham luận tại Hội nghị Cán bộ, viên chức năm học 2023-2024 và Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của Trường CĐSP Thái Bình, tổ chức vào ngày 30 tháng 9 năm 2023.